Nguồn: Vietnam Investment Review
Xuất khẩu tôm có những diễn biến tích cực ở những lô hàng đầu tiên
Ngày 11.9, Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu lô tôm đầu tiên sau khi ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu EU. Với bà con làng chài tỉnh Ninh Thuận, đây là thành tựu đáng nhớ.
Thứ trưởng bộ NNPTTN Phùng Đức Tiến chia sẻ, việc loại bỏ thuế quan theo EVFTA dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Theo đó, EU sẽ xóa bỏ thuế đối với 86,5% hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong 3 năm, 90,3% trong 5 năm, riêng đối với tôm chân trắng đông lạnh, mức thuế sẽ giảm dần về 0% sau sau cùng kỳ, và 100% trong 7 năm tới. Bà con vì vậy cần lưu ý tận dụng lợi thế này. Các đơn đặt hàng đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam kể từ đầu tháng 8 đã tăng khoảng 10% so với tháng 7. Xuất khẩu tôm vào EU trong tháng 8.2020 tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
“Khi Việt Nam tham gia EVFTA, các đơn hàng của công ty tại thị trường EU cũng tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống. Tính tới ngày 31.8.2020, doanh thu hoạt động xuất khẩu của toàn hệ thống đạt gần 70 triệu USD” – ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Thông Thuận Group, chia sẻ.
Tăng trưởng xuất khẩu gạo và cà phê ghi nhận tăng trưởng nhưng có vài điểm bất cập
Bên cạnh xuất khẩu tôm, Việt Nam cũng ghi nhận giá trị tăng trưởng cao nhất của gạo xuất khẩu ở thị trường khó tính này. Gạo Việt lần đầu tiên được bán giá trên 1.000 USD/tấn sau EVFTA có hiệu lực đã tạo làn gió lạc quan cho ngành nông sản Việt. Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, trong tháng 8, công ty đã xuất khẩu thành công lô hàng 3.000 tấn đầu tiên được ký kết với đối tác nhập khẩu từ Đức sau khi EVFTA có hiệu lực, với hai chủng loại gạo ST20 và Jasmine.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, cho biết do được hưởng thuế suất bằng 0% nên giá xuất khẩu của hai mặt hàng này cao hơn nhiều so với trước. Cụ thể, gạo ST20 được bán với giá 1.080 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn; trong khi trước đó gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn còn Jasmine là 520 USD/tấn. Như vậy, có thể nói, nhờ EVFTA, giá gạo của doanh nghiệp Việt Nam vào EU trong tháng 8 đã tăng từ 80 – 200 USD/tấn. Ông Bình tỏ ý lo ngại khi cho rằng, văn hóa thương mại của một số thương nhân Việt còn rất kém, cứ mở cửa được thị trường nào lại đua nhau giảm giá để cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Theo ông Bình, giá gạo Công ty Trung An xuất hơn 1.000 USD/tấn không phải là giá cao và vẫn chưa đúng với giá trị thực. Bởi gạo thơm Thái giá trị thấp hơn gạo thơm Việt đang xuất sang EU nhưng bán được giá gấp đôi. Nếu đánh giá đúng chất lượng, gạo hữu cơ Việt Nam có thể bán giá trên 3.000 USD/tấn và người châu Âu sẵn sàng trả giá cao đúng giá trị thực của nó.
Trả lời báo Thanh Niên, một số nhà xuất khẩu sang thị trường EU đều cho rằng, còn quá sớm để nói đơn hàng tăng chỉ trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, một DN xuất khẩu cà phê sang EU thuộc Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng thuế xuất khẩu cà phê sang EU từ 15% xuống 0% sẽ tạo lực đẩy lớn cho nhà xuất khẩu. Vị này phân tích hiện tại, chỉ có cà phê Buôn Ma Thuột có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ theo EVFTA, nên cơ hội cà phê Buôn Ma Thuột hưởng lợi, tăng xuất khẩu vào thị trường này tốt sau này. Tuy nhiên, đơn hàng trong tháng 8 chưa tăng mạnh, tầm hơn 5% so với cùng kỳ. “Tỷ lệ khiêm tốn này cũng đáng ghi nhận. Sắp tới, sau ngày 15.9, khi Việt Nam mở chuyến bay quốc tế, tôi sẽ sang Đức, Bỉ, Pháp để kết nối với một số đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu cà phê”, vị này cho biết.
Giá tăng nhờ giảm trung gian, thuế và chất lượng tốt
Chuyên gia marketing thị trường Liên minh châu Âu EU Vũ Quốc Chinh, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích giá bán ra hàng Việt Nam xuất sang EU có tăng từ 3 lý do. Thứ nhất, người mua chia sẻ lợi nhuận với bên bán do được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0%. Thứ hai, DN Việt bán hàng sang nay chính thức hơn, giảm phụ thuộc vào trung gian, nên giá nhích lên. Thứ ba, hàng hóa Việt Nam qua EVFTA được người tiêu dùng EU và đối tác đánh giá lại chất lượng một cách bài bản theo các tiêu chuẩn hai bên đặt ra, nghĩa là chất lượng nguồn gốc sản phẩm công khai rõ ràng minh bạch hơn, không có kiểu bán dấm bán dúi như trước và phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị trung gian.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh, ông Chinh cho rằng nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến có cơ hội đẩy mạnh trong ngắn hạn ngay, còn về trung hạn là các nhóm hàng thời trang giày dép, may mặc và nội thất.
Có một chi tiết ông Chinh lưu ý với các nhà xuất khẩu vào EU, lượng đơn hàng tăng và giá bán tăng là không nên quá chủ quan về nguồn nguyên liệu cung ứng. Nhiều trường hợp DN Việt gặp phải khi bán hàng sang EU là ban đầu làm rất tốt, hàng giao đúng hẹn, đúng chất lượng. Song khi khách hàng đặt lượng lớn hơn, DN bị lúng túng trong việc mua nguyên liệu, mua nguyên liệu không đúng chất lượng, khi đối tác phát hiện, không chỉ bị mất chính khách hàng đó và mất luôn thị trường vì người EU không chỉ khó tính trong tiêu thụ mà cực kỳ nghiêm khắc và coi trọng chữ tín. ■
Xuất bản ngày 12/9/2020 theo Báo Lao Động, Thanh Niên, và Vietnam Investment Review.